Cách chăm sóc cho trẻ nhỏ trong mùa đông, Mang thai ở tuổi 40, Các dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh.

04:01' CH - Thứ sáu, 16/10/2020

Câu hỏi 5: Gia đình tôi đang có con nhỏ, Tôi xin hỏi cách chăm sóc cho trẻ nhỏ trong mùa đông?

Trả lời:

Trẻ nhỏ cần được chăm sóc tốt trong thời tiết lạnh giá

Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá. Dưới đây là một số cách giúp bạn chăm sóc trẻ tốt hơn trong mùa đông.

Thường xuyên rửa tay của bạn

Mùa đông cũng là mùa của cảm lạnh và cảm cúm. Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên rửa tay của mình bằng dung dịch rửa tay trước khi chạm vào trẻ. Việc rửa tay sẽ giúp bạn dự phòng được tình trạng làm lây truyền bất kỳ loại vi khuẩn nào sang cho trẻ. Bạn cũng nên yêu cầu tất cả khách của gia đình mình nên rửa tay trước khi muốn chạm vào trẻ.

Cho trẻ bú mẹ

Cho trẻ bú mẹ là cách tốt nhất để củng cố hệ miễn dịch của trẻ. Cho bú mẹ cũng sẽ giúp trẻ tránh xa được các tình trạng nhiễm trùng và cảm lạnh. Do vậy, hãy cố gắng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu.

Tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm chủng

Hãy chắc chắn rằng trẻ nhỏ nhà bạn không bỏ qua bất cứ lịch tiêm chủng nào. Tiêm vaccine sẽ giúp giữ trẻ an toàn khỏi một số dịch bệnh trong mùa đông. Trong trường hợp trẻ bị lỡ lịch tiêm chủng, bạn nên gọi điện và hỏi bác sỹ xem trẻ có thể sẽ tiêm bổ sung lại vào thời điểm nào sớm nhất có thể.

Giữ phòng luôn ấm

Duy trì nhiệt độ ấm trong phòng ngủ của trẻ trong suốt những ngày mùa đông khắc nghiệt là một điều rất quan trọng. Hãy đóng tất cả các cửa sổ vào ban đêm và cố gắng tránh không để bất cứ luồng khí lạnh nào xâm nhập vào phòng của trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý đảm bảo độ thông khí trong phòng của trẻ.

Đảm bảo rằng trẻ có thể mặc quần áo thoải mái và đủ ấm

Đảm bảo rằng trẻ đã mặc đủ ấm và mặc quần áo thoải mái. Bạn cũng nên nhớ rằng, nhiệt độ phòng của trẻ có thể sẽ ấm sẵn rồi, do vậy, có thể trẻ sẽ không cần mặc quá nhiều lớp quần áo. Nên đeo găng và đi tất cho trẻ để giữ ấm lòng bàn tay và bàn chân của trẻ.

Mát xa nhẹ nhàng cho trẻ để cải thiện tuần hoàn máu

Đặc biệt trong mùa đông, việc mát xa nhẹ nhàng cho trẻ có thể giúp cải thiện lưu thông máu và tăng cường miễn dịch cho trẻ. Bạn có thể sử dụng một chút dầu ôliu, dầu hạnh nhân hoặc dầu dừa để mát xa cho trẻ. Hãy đảm bảo rằng bạn đã đóng kín các cửa và giữ phòng của trẻ đủ ấm trước khi bắt đầu mát xa cho trẻ. Bạn có thể tiến hành mát xa cho trẻ trước khi tắm từ 1-2 giờ hoặc mát xa cho trẻ trước khi đi ngủ để giúp trẻ thư giãn và ngủ ngon hơn.

Tránh dùng quá nhiều các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ.

Không khí lạnh và khô có thể sẽ làm mất đi độ ẩm tự nhiên trên da của trẻ. Vì thế, bạn nên tránh sử dụng quá nhiều các sản phẩm dành cho trẻ như xà phòng, dầu gội đầu và sữa tắm trong mùa đông. Trẻ nhỏ có thể sẽ bị mẩn đỏ vì da bị khô quá mức do sử dụng các loại sản phẩm này trong mùa đông. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bạn chỉ nên thường xuyên tắm cho trẻ bằng nước. Có thể sử dụng thêm một loại xà phòng nhẹ dành cho trẻ em 1 lần/tuần.

Thường xuyên dưỡng ẩm cho da của trẻ

Bạn nên tăng cường độ ẩm cho làn da nhạy cảm của trẻ bằng việc sử dụng các loại kem dưỡng ẩm nhẹ dành riêng cho trẻ nhỏ. Dưỡng ẩm da cho trẻ là một trong số những việc quan trọng cần làm khi chăm sóc trẻ trong mùa đông.

Sử dụng máy làm ẩm không khí

Những tháng mùa đông có thể sẽ khiến bạn cần dùng máy sưởi trong phòng ngủ của trẻ. Nếu bạn sử dụng máy sưởi trong phòng của trẻ, hãy dùng thêm một máy làm ẩm không khí. Việc này sẽ giúp duy trì độ ẩm không khí trong phòng và ngăn chặn được tình trạng mất đi độ ẩm trên da của trẻ.

Những cách trên hi vọng sẽ giúp trẻ đảm bảo an toàn và khỏe mạnh trong suốt mùa đông lạnh giá. Nếu trẻ bị cảm lạnh, bạn nên đưa trẻ tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt./.

Câu hỏi 7: Tôi năm nay đã ngoài 40 tuổi, muốn có thai. Tôi xin hỏi mang thai ở lứa tuổi này có gặp phải những rủi ro gì?

Trả lời: Việc mang thai và sinh con sau tuổi 40 có một số lợi thế nhất định. Theo nghiên cứu, những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ lớn tuổi thường được chăm sóc tốt hơn do cha mẹ có nhiều kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, lòng tận tâm và kiên nhẫn, đồng thời cha mẹ ở thời điểm này cũng sẽ có sự ổn định về mặt cảm xúc và tài chính. Tuy nhiên, khi người phụ nữ mang thai sau tuổi 40, sẽ có nhiều rủi ro hơn đối với sức khỏe của mẹ và bé, so với khi còn trẻ.

Rủi ro đối với người mẹ

Dễ mang đa thai

Càng nhiều tuổi thì phụ nữ càng dễ mang thai sinh đôi hoặc đa thai. Nhưng trong những trường hợp này, cả mẹ và con lại dễ gặp vấn đề về sức khỏe và cần được theo dõi sát sao.

Sảy thai

Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sảy thai cao hơn cả trong giai đoạn đầu của thai kỳ với tỷ lệ hơn 90% ở người trên 45 tuổi, so với 25% ở phụ nữ trên 35 và 12% ở phụ nữ dưới 30 tuổi.

Mang thai ngoài tử cung

Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ mang thai ngoài tử cung gấp 4 đến 8 lần so với phụ nữ trẻ. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng vùng chậu và các vấn đề với ống dẫn trứng…

Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm đau bụng hoặc chảy máu bất thường nhưng cũng có thể không có triệu chứng.

Các biến chứng từ các bệnh người mẹ mắc trước khi mang thai

Với sự gia tăng tuổi tác, khả năng bị béo phì hoặc các vấn đề sức khoẻ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp và các vấn đề về tim sẽ cao hơn. Do vậy cần theo dõi tình trạng bệnh trong thời kỳ mang thai vì rất có thể nó sẽ làm tăng tỷ lệ nhập viện, mổ đẻ và sinh non.

Huyết áp cao khi mang thai

Phụ nữ lớn tuổi mang thai có nguy cơ sẽ bị cao huyết áp. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển tình trạng tiền sản giật, một biến chứng mang thai do huyết áp cao làm tổn thương hệ thống các cơ quan khác, thường là thận.

Nếu không được điều trị thì nó có khả năng đe dọa đến mạng sống của mẹ và bé.

Đái tháo đường trong thai kỳ

Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 - 6 lần so với phụ nữ tuổi từ 20 - 29. Điều này làm tăng nguy cơ về các biến chứng tiềm ẩn cho người mẹ và đứa bé trong thời gian mang thai cũng như trong quá trình sinh nở.

Nguy cơ đối với bé

Bất thường nhiễm sắc thể

Nguy cơ này đặc biệt cao sau 35 tuổi và phổ biến nhất là hội chứng Down được phát hiện ở thai nhi.

Các khiếm khuyết

Nguy cơ trẻ khuyết tật tim ở phụ nữ trên 40 tuổi gấp 4 lần so với tuổi 20 - 24. Nguy cơ chân bị tật (bàn chân vẹo về phía mắt cá chân) và thoát vị cơ hoành (lỗ hổng trong cơ hoành khiến các cơ quan trong bụng di chuyển vào khoang ngực) cũng tăng cao.

Thai chết lưu

Ở độ tuổi từ 40 - 44, nguy cơ thai chết lưu cao gấp 3 lần so với tuổi từ 25-29. Do đó thai nhi nên được giám sát chặt chẽ hơn vào cuối kỳ mang thai.

Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân

Trẻ sinh non có thể gặp vấn đề về hô hấp do phổi chưa có đủ thời gian phát triển. Chúng cũng dễ bị nhiễm trùng, xuất huyết não và gặp vấn đề về điều hoà nhiệt độ cơ thể và nồng độ glucose trong máu.

Ngoài ra, trẻ sinh thiếu tháng nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề về thính giác, thị lực và bại não, nhất là khi trẻ sinh trước 32 tuần thai nghén.

Lời khuyên cho những người mang thai ở tuổi 40

1. Cần đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra và đảm bảo bạn đang ở trong tình trạng sức khoẻ tốt nhất trước khi mang thai. Thảo luận với bác sĩ phụ khoa các kỹ thuật sinh sản được hỗ trợ như thụ tinh trong tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm nếu bạn khó có thai.

2. Tập thể dục và ăn uống đúng cách để có cân nặng bình thường trước khi mang thai.

3. Tránh lối sống không lành mạnh như hút thuốc hoặc uống nhiều bia rượu.

4. Nạp thêm axit folic khi muốn có em bé để giảm nguy cơ phát triển bất thường của tủy sống hoặc não bộ.

5. Khi đã có thai, nên đến gặp bác sĩ sản khoa để xác định vị trí thai nhi.

6. Đặt lịch với bác sĩ sản khoa để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trẻ và phát hiện bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra./.

Câu hỏi 8: Tôi xin hỏi các dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh, cách phòng tránh?

Trả lời:

Các dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh:

Dị tật tim bẩm sinh

Loại dị tật này xuất hiện với nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm những bất thường về gen hoặc sự cố trong quá trình phát triển của trẻ. Một số trường hợp dị tật tim nhẹ thường không có triệu chứng rõ nét. Nếu mắc dị tật tim nặng mà không được điều trị, tim của trẻ sẽ không thể bơm đủ máu lên phổi và các phần khác trên cơ thể.

Dấu hiệu: nhịp tim đập nhanh; khó thở; kém tăng cân; xuất hiện dấu hiệu phù ở chân, bụng, thậm chí ở mắt; làn da xanh xám, nhợt nhạt.

Điều trị: phần lớn các trường hợp dị tật tim sẽ được cải thiện qua phẫu thuật và dùng thuốc.

Môi chẻ hoặc hở hàm ếch

Nguyên nhân chính xác gây nên dị tật này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nó có thể là kết quả của gen kết hợp với các yếu tố dị thường khác trong quá trình phát triển bào thai, khiến cho vòm miệng hoặc môi trên bị “đứt”, không liền lại được. Dấu hiệu nhẹ là môi trên của trẻ có vết khía như hình chữ V; dấu hiệu nặng là cả môi trên, mũi hoặc hàm ếch của trẻ đều bị tổn thương. Trẻ bị hở hàm ếch thường bị cản trở phát triển ngôn ngữ và khó khăn trong việc ăn uống; bởi vì trẻ sẽ gặp rắc rối khi muốn nuốt thức ăn, trẻ thường phải ăn sữa đứng với một chiếc bình sữa đặc biệt. Tùy vào từng cấp độ của dị tật, người mẹ có thể phải vắt sữa ra bình đế trẻ ăn cho đến khi trẻ được điều trị khỏi hẳn.

Điều trị: một cuộc phẫu thuật dành riêng cho trẻ bị chẻ môi có thể được tiến hành ngay khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi. Phẫu thuật sẽ chỉnh lại phần môi bị chẻ, tách biệt phần môi và mũi sẽ được tiến hành muộn hơn, khi trẻ được khoảng 6 - 12 tháng tuổi, thời kỳ trẻ đã có bộ mặt tương đối hoàn chỉnh.

Dị tật bàn chân

Là một trong những dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh. Sau sinh 24-48 giờ, người mẹ cần kiểm tra bàn chân của trẻ, nếu có nghi ngờ có thể dùng bàn chải mềm kích thích vùng bên hông từ gót chân đến ngón chân út để quan sát cử động bàn chân của trẻ, nếu có bất thường hoặc khó xác định thì cần đi khám chuyên khoa. Các dị tật bàn chân thường do tư thế trong tử cung, trong thời kỳ mang thai, bàn chân bị chèn ép trong tử cung do nhiều yếu tố như thai lớn ký, khung chậu của người mẹ hẹp, sinh đôi,... Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy dị tật này có thể do yếu tố gia đình, tư thế của sản phụ trong thời gian mang thai khi ngồi làm việc hoặc sinh hoạt hằng ngày,... Các trẻ có dị tật bàn chân đôi khi còn kèm theo các dị tật khác như loạn sản khớp hông, ưỡn khớp gối, vẹo cổ, tay khoèo, cứng đa khớp bẩm sinh...

Các dị tật bàn chân cần được phát hiện và điều trị sớm để đạt được kết quả tốt nhất, trường hợp phát hiện trễ hoặc điều trị không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự phát triển vận động sau này của trẻ.

Thiếu chi hoặc chân tay dị dạng

Một vài chuyên gia cho rằng, đây có thể là kết quả của việc mẹ bị nhiễm hóa chất hoặc virus trong thời kỳ thai nghén.

Điều trị: khi trẻ sinh ra với chân hoặc tay dị dạng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ hoặc trẻ có thể phải lắp ghép chân (tay) giả. Đồng thời, trẻ phải luyện tập những bài tập thể chất để học cách sử dụng chân (tay) giả như cách trẻ điều khiển các cơ quan khác trên cơ thể mình.

Hội chứng Down

Trẻ chào đời với những đặc điểm thể chất khá đặc biệt, bao gồm: mắt hơi nghiêng, tai nhỏ và bị cuộn lại ở đầu tai; miệng nhỏ với chiếc lưỡi lớn; mũi nhỏ; cổ ngắn; tay nhỏ và móng tay ngắn.

Khoảng 50% trẻ mắc hội chứng Down kém phát triển thị giác và thính giác. Các chứng bệnh nhiễm trùng tai, tim bẩm sinh cũng khá phổ biến với các trẻ mắc phải dị tật này. Trẻ cũng không thể phát triển thể chất bình thường như các trẻ khác, bao gồm việc trẻ khó khăn khi tập đi, nói chuyện hoặc ngồi bô, một số trẻ có thể học được những kỹ năng này nhưng thường là chậm.

Cách phòng tránh

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 33 trẻ em sinh ra thì sẽ có 1 trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh. Đa số các dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mặc dù có một số ít những dị tật khác có thể sẽ xuất hiện muộn hơn. Do vậy, việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là vô cùng quan trọng. Ngoài ra thai phụ cần được chăm sóc, tư vấn và khám thai định kỳ; Cần thực hiện chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và thực phẩm chứa có chứa nhiều axit folic. Trong 3 tháng đầu mang thai nếu bị mắc một số bệnh như cúm hoặc Rubella thì nên xem xét việc ngừng mang thai hoặc phải tiến hành sàng lọc trước sinh thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi./.

BBT

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,